Kỹ thuật chăm sóc cây Mai vàng để chơi Tết không hề đơn giản vì cần phải nắm vững được các quy luật về dinh dưỡng cho cây rồi sâu bệnh hại cây trong từng giai đoạn khác nhau của cây. Khi nào cần bón phân và bón với lượng thế nào, phun thuốc cũng vậy, cần đúng liều liệu nếu không sẽ không những không đem lại kết quả mà lại còn làm hại cây.
Đánh giá cây Mai vàng đó giá trị như thế nào người ta sẽ căn cứ vào loại Mai, thế của cây và độ xù sì của gốc cây và điều quan trọng là sao cho cây có thể cho ra những bông hoa to đẹp vào đúng dịp Tết. Để cây sinh trưởng bình thường thì không quá khó nhưng để một cây Mai có cành lá xum xuê, thân mập mạp thì thật không dễ, cần phải biết kỹ thuật chăm sóc tốt cho cây mà điều này có lẽ chỉ có nghệ nhân về Mai mới có thể hiểu và biết cách làm.
Xem thêm Hoa mai vàng ngày tết và ý nghĩa mai vàng trong cuộc sống
Tuy nhiên, chúng tôi có thể cung cấp cho các bạn một số vấn đề căn bản trong chăm sóc Mai, từ đó các bạn có thể áp dụng tùy theo tình trạng cây Mai và tùy vào vùng miền khác nhau để chọn cách chăm hợp lý nhất.
1. Giai đoạn phục hồi và tăng trưởng từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch
Ở giai đoạn này cây Mai sẽ bị suy yếu vì Tết nó vừa ra hoa và chúng ta cần phải phục hồi cho cây.
Từ tháng 1 đến tháng 2:
Khi đã dùng cây Mai để chơi trong dịp Tết xong bạn hãy mang cây ra ngoài, nơi có ít nắng và thoáng mát để tránh làm cây bị cháy lá rồi hái hết hoa và quả trên cây càng sớm càng tốt chỉ giữ lại lá non giúp cho cây thở.
Cây chơi Tết thường được trồng trong chậu nên bạn cần thay đất cho cây vì lúc này rễ cây đã nhiều và bít hết chậu, khi thay đất bạn cần cắt bỏ một phần rễ già ở ở thành chậu để cây có thể dễ dàng hút dưỡng khí nuôi cây. Khi bạn cắt rễ được tầm 15 ngày thì rễ cám bắt đầu mọc và bạn phải chú ý là không được cắt quá sát.
Sau khi thay đất cho cây là đến bước bón phân. Ở giai đoạn này cây cần cung cấp đủ dinh dưỡng để củng cố cành và nhánh mới nên cần nhiều đạm. Đây được coi là giai đoạn phục hồi để sinh trưởng của cây Mai, nếu ở giai đoạn này cây được cung cấp đủ dinh dưỡng thfi giai đoạn sau sẽ đảm bảo là cây phát triển rất thuận lợi.
Trong thời kỳ này bạn có thế dùng phân NPK theo tỷ lệ 30-10-10 và một chút phân dynamic kèm với lân là được. Nếu bạn không phải người rành về Mai vàngBạn chỉ cần bón một muỗng nhỏ dynamic cứ sau 7 đến 10 ngày bón 1 lần và 1 muỗng nhỏ lân thì cứ 2 tuần bón 1 lần.
Tìm hiểu thêm Cách kích nụ mai vàng ra đều, có nên sử dụng thuốc kích nụ mai?
Từ tháng 3 đến tháng 4:
Với thời tiết của miền Nam mưa sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3 và từ đó là Mai bắt đầu phát triển rất mạnh.Để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho Mai thì bạn cần dùng các loại phân hữu cơ hoai mục như bánh dầu, phân cá, phân hữu cơ sinh học… cùng với các loại phân hóa học có lượng đạm cao để bón cho Mai. Nếu bạn dùng phân vô cơ thì có thể bón chậm hơn là vào khoảng sau ngày 20 tháng 3 vẫn được.
Với cây phát triển bạn có thể bón phân qua lá để giúp cho cây nhanh phục hồi vì rễ của cây lúc này hoạt động yếu và khó hấp thụ được phân bón qua rễ.
Khi mưa về làm cho thời tiết dịu mát cũng là thời điểm rễ non của cây Mai phát triển nhanh, cộng với việc được cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì cây sẽ đâm nhiều chồi non, làm nền cho những chồi hoa sau này phát triển. Khi những cơn mưa của cuối tháng 3 đến tháng 4 xuất hiện thì nền nhiệt độ thay đổi với biên độ rất lớn, làm cho không khí oi bức, không ổn định, đây là điều kiện làm cho nấm hồng phát triển. Do đó, bạn cần cắt bỏ bớt những cành cây có dấu hiệu bị bệnh giúp cho cây thông thoáng và phun thuốc phòng hoặc điều trị bệnh cho cây.
Từ tháng 5 đến tháng 6:
Ở giai đoạn trước nếu cây Mai được chăm sóc tốt thì ở giai đoạn này tương đối dễ dàng với người chăm sóc, nó sẽ diễn ra một cách rất tự nhiên mà không cần can thiệp quá nhiều. Nếu bạn chưa nắm chắc kiến thức về cây và cách làm nụ cho cây thì không nên can thiệp bằng hóa chất nếu chưa cần thiết vì chỉ cần bạn chăm cây mà có một giai đoạn cây có tán lá sum xuê và không bị sâu bệnh thì việc cây ra hoa sẽ diễn ra hết sức bình thường.
Trong khoảng tháng 5 và tháng 6 cây sẽ tích lũy rất nhiều chất dinh dương nên sẽ phát triển mạnh. Đây cũng là thời kỳ ổn định thế cây và dáng cây. Khi tược non phát triển bạn cần phải uốn nắn và bấm tỉa để tạo dáng và tạo tán cho cây theo ý muốn của bạn.
Bạn cần lưu ý, đây chính là giai đoạn tạo dáng tốt nhất cho cây nên không thể để cành dài ra mới cắt sẽ làm cho cây bị mất sức, cần dứt khoát cắt bỏ cành nào không muốn phát triển để dưỡng chất tập trung nuôi những chồi cây khác. Khi trong năm không có tháng nhuận thì thời điểm tạo dáng cuối cùng cho cây sẽ là tháng 6, nếu có tháng nhuận thì có thể làm trong tháng 7.
Xem thêm cách bón phân cho mai vàng sau tết giúp cây mai nhanh phục hồi
Nếu bạn muốn chồi ở nách cây sẽ thành nụ hoa bạn cần giảm hẳn phân đạm bón cho cây, tốt nhất là ở thời kỳ này không dùng phân vô cơ. Để cây có những nụ hoa như ý thì bạn cần bón tăng phân hữu cơ trộn chung với lân vi sinh. Nếu bạn trồng Mai ở trong chậu thì không cần sử dụng nhiều phân quá và nếu bón phân vi sinh thì cần phải có lớp đất mỏng phủ lên trên để phân phát huy tối đa tác dụng, Nếu Mai trồng ở ngoài vườn thì cần một lượng phân vi sinh nhiều hơn. Có một số nụ hoa sẽ hình thành từ tháng 6 âm lịch nên nếu bạn thấy cây chưa được cứng cáp lắm thì có thể dùng thêm kali để bón cho cây.
Bạn nên nhớ, ở thời kỳ nay mưa sẽ tăng dần nên cần phải kiểm tra nấm bệnh trên cây. Nên phun thuốc để phòng các bệnh về nấm và để cây không bị rỉ sắt, cháy lá, hán thư, nấm hồng…Riêng với bọ trĩ ở giai đoạn này dù đã giảm so với tháng trước nhưng bạn vẫn phải kiểm tra và đề phòng để diệt chúng.
2. Giai đoạn phát triển nụ hoa vào tháng 7 và tháng 8
Đây là thời kỳ nụ của hoa Mai nảy mà trời lại thường xuyên mưa dầm nên lá cây và thân cây lúc nào cũng bị ướt tạo môi trường thuận lợi cho rêu và nấm mốc dễ phát triển. Cần thường xuyên kiểm tra xem đất trong chậu có bị đọng nước không, nếu có thì cần phải đục lỗ thoát nước cho chậu vì mưa nhiều nên đất trong chậu cũng bị ẩm ướt và
Bạn cần phải đảm bảo giữ cho lá của cây Mai phát triển tốt, vì lá của cây sẽ giúp cho việc quang hợp diễn ra được thuận lợi, như thế nụ hoa mới phát triển tốt. Nếu bạn để cây bị nấm lá hoăc sâu rầy gây hại phải bỏ một phần lá thì cây có thể ra hoa khi trời bớt mưa. Một điểm cần lưu ý là từ tháng bảy sang tháng 8 là thời kỳ cao điểm để nhện đỏ, một loại côn trùng tấn công lá cây, bắt đầu phát triển. Chúng sẽ hại các lá từ già đến bánh tẻ, khiến cho bề mặt của lá bị hỏng và cây gặp khó khăn trong việc quang hợp.
Bạn cần dừng hẳn việc tỉa cành và bấm đọt cho cây từ rằm tháng bảy trở đi, cần kiểm tra vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời. Trừ trường hợp cần thiết, nếu không thì không cần thay chậu cây vào những tháng mưa nhiều.
3. Giai đoạn hình thành vào tháng 9 và tháng 10
Đến thời điểm này thì lá của Mai đã già đi và cây đã ngừng phát triển, việc còn lại là chờ đến thời điểm vặt lá để cây ra hoa. Việc của bạn là cần giữ cho bộ lá của cây Mai luôn xanh tốt đến rằm tháng 12. Những cây Mai có tán lá xanh mướt và sum xuê thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm mà không cần lo lắng gì.
Bạn có thể bón phân NPK và dynamic pha loãng, nhưng nếu bạn không có nhiều kiến thức về NPK thì có thể chỉ cần bón dynamic là đủ.
Vào đầu tháng 9 thời tiết vẫn còn mưa dầm, mưa sẽ giảm dần vào cuối tháng 10, lúc này nụ hoa đã được hình thành và sẵn sàng bung ra khi có đủ điều kiện. Do đó bạn cần biết cách điều chỉnh bộ lá cho cây. Tay nghề của người trồng Mai sẽ được khẳng định ở giai đoạn này vì nếu bạn để Mai ít lá quá thì khi mưa giảm hẳn Mai sẽ nở hoa, nếu bạn để Mai nhiều lá quá thì nụ hoa lại không phát triển, thậm chí còn mọc thêm cành non. Chính vì thế mà việc điều chỉnh lá cho Mai cần dựa vào kinh nghiệm vùng miền của người trồng Mai.
Bạn cần chú ý là không được sử dụng loại phân có hàm lượng đạm cao ở thời kỳ này. Tuy nhiên nếu lá của cây ít quá và già quá thì bạn có thể dùng phân bón lá loại 20-20-10 phun cho cây để tạo thêm lá non và kiềm chế sự phát triển nụ thành hoa.
Nếu cây Mai của bạn đến thời kỳ này mà lá vẫn còn xanh rợp thì bạn phải xiết nước để cho lá của Mai bị vàng và rụng bớt đi, lấy dinh dưỡng nuôi chồi hoa. Để làm được việc này đòi hỏi người có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt vì nếu bạn đánh giá và thực hiện không chính xác khiến cho lá của cây rụng quá nhiều thì Mai sẽ nở sớm. Nên cần cân nhắc kỹ trước khi bạn xiết nước của cây. Đến thời kỳ mưa giảm, trời nắng nhiều thì bạn nên tưới cho cây ngày ít nhất là 1 lần.
4. Giai đoạn hoàn chỉnh vào tháng 11 và tháng 12
Đây là giai đoạn quyết định chất lượng hoa Mai vào dịp Tết. Bạn biết là lúc này nụ của hoa sẵn sàng bung khi có điều kiện, nhưng muốn để cho hoa tươi màu, lâu tàn, lượng hoa ở mỗi nụ nhiều hơn, hoa thơm hơn thì bạn cần phải bón thúc cho cây.
Khoảng cuối tháng 10 sang đầu tháng 11 là muộn nhất bạn cần phải bón thúc cho Mai, nhớ là không được dụng phân hữu cơ mà phải dùng phân vô cơ để có tác dụng tốt nhất. Bạn hãy bón phân lân và kali bằng cách lần rải đều trên mặt đất, mỗi cây Mai dùng khoảng 200 grams, hoặc có thể pha với nước để tưới gần gốc cây Mai. Với kali thì dùng 1 muỗng nhỏ cà phê pha với 5 lít nước rồi tưới gần gốc Mai. Bạn chỉ cần tưới 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần là đủ.
Đến đầu tháng 12 bạn có thể bón thêm một chút phân Úc giúp cây không bị mất sức và ít rụng hoa sau khi trổ bông. Cuối cùng là bạn cần phải canh để cho cây lảy lá. Với kinh nghiệm của bạn sẽ quyết định cho lá được lảy vào lúc nào là thích hợp khi bạn đã quan sát và nắm bắt đủ các yếu tố về thời tiết, tán lá của cây và độ lớn nhỏ của chồi nụ. Khi cây đã lảy lá thì không cần tưới nhiều nhưng cũng không được để cho Mai bị khô gốc.
Hàng ngày bạn cần theo sát diễn biến của cây để biết được sự phát triển của nụ hoa, lúc đó bạn có thể điều chỉnh việc tưới nước hoặc dùng các biện pháp khác giúp cho Mai bung nụ vào đúng dip ông Công ông Táo lên chầu Trời.